Chinh phục Đại học Mỹ top đầu với Hồ sơ học thuật ấn tượng
1. Tại sao cần lập danh sách đại học (College List)?
Danh sách đại học là thành phẩm của các bạn học sinh đang tìm kiếm và lựa chọn trường đại học phù hợp. Danh sách đại học không chỉ đơn thuần là liệt kê những trường đại học mà bạn muốn ứng tuyển. Danh sách đó là sự cân nhắc, chọn lọc từ hàng ngàn trường đại học lớn nhỏ tại Mỹ để tìm ra những nơi phù hợp với các bạn học sinh và đáp ứng các yêu cầu của gia đình cũng như bản thân học sinh. Để lập danh sách này, chúng tôi gợi ý học sinh nên phân chia trường ra làm các nhóm: trường an toàn (safety school), trường mục tiêu (target school), và trường mơ ước (reach school).
Dựa vào danh sách này, các bạn học sinh có thể lập kế hoạch chuẩn bị hồ sơ phù hợp với bản thân và với các trường mình chuẩn bị ứng tuyển. Nói cách khác, danh sách này là một phần không thể thiếu trong chiến lược du học Mỹ của bạn.
2. Các yếu tố cần cân nhắc khi lập danh sách trường
Khi tìm kiếm thông tin về các trường đại học Mỹ trên các công cụ tra cứu như College Compass hay Big Future, bạn sẽ thấy các trang này sử dụng rất nhiều các yếu tố khác nhau để đánh giá, so sánh và xếp hạng các trường đại học Mỹ. Nhưng làm thế nào để biết được yếu tố nào là quan trọng đối với bạn để cân nhắc và lựa chọn được trường đại học phù hợp nhất?
Để dễ so sánh hơn, các bạn có thể xếp những yếu tố vào 5 nhóm lớn là: điều kiện tuyển sinh, chất lượng học thuật, chi phí, đời sống của sinh viên, và kết quả đầu ra của trường.
Tùy thuộc vào mục tiêu du học của bạn mà bạn có thể đặt các nhóm này lên bàn cân để so sánh. Điều kiện tuyển sinh sẽ giúp bạn cân nhắc xem học lực của mình có nhiều khả năng được nhận vào trường hay không từ đó phát triển hồ sơ cho phù hợp. Nếu với bạn, chất lượng học thuật là yếu tố quan trọng hàng đầu thì bạn có thể lựa chọn các trường có xếp hạng cao, có nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học và xuất bản nghiên cứu, hay có nhiều giáo sư nổi tiếng. Ngoài ra, nếu bạn đã xác định được ngành học mong muốn thì có thể so sánh chương trình học của ngành đó giữa các trường khác nhau xem mình hứng thú với chương trình nào hơn. Mặt khác, nếu bạn quan tâm đến kết quả sau khi tốt nghiệp và cơ hội việc làm thì bạn hãy tìm hiểu kỹ các số liệu về tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau tốt nghiệp hay mức lương trung bình sau tốt nghiệp của các trường đại học.
Để có sự cân bằng thì lý tưởng nhất vẫn luôn là lựa chọn được các trường có sự kết hợp giữa cả năm nhóm yếu tố nói trên. Tuy nhiên bạn vẫn nên xếp hạng mức độ quan trọng của các yếu tố theo sở thích và mục tiêu của bạn để so sánh và lựa chọn trường dễ dàng hơn.
US News có gợi ý một số câu hỏi bạn có thể trả lời để xác định các yếu tố mà bạn cần cân nhắc trong quá trình lập danh sách trường đại học Mỹ:
- Trường có chuyên ngành bạn dự định học không?
- Trường có những hỗ trợ tài chính nào?
- Chi phí thực tế sau khi trừ hỗ trợ tài chính là bao nhiêu?
- Trường có nhiều cơ hội thực tập hoặc nghiên cứu khoa học cho học sinh không?
- Sĩ số lớp học trung bình là bao nhiêu?
- Bạn đang tìm kiếm loại trải nghiệm học thuật nào?
- Trường có hoạt động ngoại khóa mà bạn quan tâm không?
- Trường có những lựa chọn về nhà ở và ký túc xá nào cho học sinh?
- Tỷ lệ giữ chân sinh viên năm nhất là bao nhiêu?
- Tỷ lệ tốt nghiệp là bao nhiêu?
- Tỷ lệ tốt nghiệp của sinh viên theo mức thu nhập là bao nhiêu?
- Tỷ lệ sinh viên có việc làm trong chuyên ngành bạn dự định học là bao nhiêu?
- Trường có cho phép bạn thể hiện bản sắc văn hóa hoặc tôn giáo của mình một cách thoải mái không?
3. Lựa chọn bao nhiêu trường là đủ?
Nên lựa chọn và nộp hồ sơ ứng tuyển cho bao nhiêu trường là đủ? Đây là một câu hỏi có nhiều ý kiến trái chiều. Rất nhiều các cố vấn du học hay các đại diện tuyển sinh khuyên các bạn học sinh nên nộp hồ sơ cho khoảng 15-20 trường. Trang nộp hồ sơ ứng tuyển đại học Mỹ, Common App cũng giới hạn số trường bạn có thể ứng tuyển là 20 trường. Tuy nhiên, College Board lại gợi ý bạn chỉ nên ứng tuyển khoảng 5-8 trường. Vậy con số nào là phù hợp?
Tuy không có lời khuyên về một con số cụ thể nhưng US News có lưu ý cho các bạn học sinh rằng, dù bạn nộp hồ sơ cho bao nhiêu trường đi chăng nữa thì danh sách trường của bạn nên có đủ ba nhóm trường “safety, target, và reach schools”. Sự cân bằng từ ba nhóm trường này sẽ giúp bạn đảm bảo được rằng dù trong trường hợp bạn không trúng tuyển vào ngôi trường mơ ước của mình thì bạn vẫn sẽ có các lựa chọn dự phòng.
Một yếu tố nữa giúp bạn cân nhắc số lượng trường trong danh sách đó là chi phí ứng tuyển. Chi phí nộp hồ sơ có thể lên tới $100 cho mỗi trường đại học. Nếu bạn nộp hơn 20 trường thì đây cũng là một số tiền không nhỏ. Dù trong nhiều trường hợp bạn có thể nộp đơn xin hoàn lại phí nộp hồ sơ dựa trên điều kiện kinh tế của gia đình, đây vẫn là một yếu tố đáng để cân nhắc.
Ứng tuyển nhiều trường đại học cùng một lúc cũng không phải điều dễ dàng vì các bạn học sinh cần chuẩn bị hồ sơ và bài luận phù hợp với từng trường. Nộp hồ sơ cho quá nhiều trường có thể khiến bạn gặp căng thẳng và bị áp lực. Vậy nên tùy thuộc vào điều kiện, thời gian, và mục tiêu của bạn, hãy lựa chọn số lượng trường vừa đủ cho danh sách đại học Mỹ của mình nhé!
4. Các bước lập danh sách đại học Mỹ
Bước 1: Lên danh sách các tiêu chuẩn chọn trường
Để không bị choáng ngợp trước khối lượng thông tin lớn về hàng nghìn trường đại học tại Mỹ thì bạn hãy xây dựng cho mình một danh sách những tiêu chuẩn mà bạn mong muốn ở trường đại học tương lai của mình. Những tiêu chuẩn này sẽ giúp bạn thu hẹp phạm vi tìm kiếm của mình.
Bước 2: Tìm chọn trường
Ở bước này, bạn hãy lưu lại thông tin của tất cả các trường phù hợp với các tiêu chí mà bạn đã đưa ra. Đừng lo nếu thấy danh sách này vẫn còn khá nhiều trường vì sau đó bạn sẽ còn cần phân tích kỹ để đưa ra những lựa chọn cuối cùng nữa.
Bước 3: Phân tích và rút gọn danh sách
Bạn hãy phân tích và so sánh cụ thể các trường mình đã chọn xem những trường nào là phù hợp nhất với tiêu chí của mình. Trong quá trình này bạn sẽ khó tránh khỏi những khoảnh khắc phân vân, không biết nên chọn thế nào. Tuy nhiên bạn không nên quá lo lắng mà hãy dành thời gian để từ từ suy nghĩ và cân nhắc. Bạn có thể tìm lời khuyên hay gợi ý từ cố vấn tại trường hoặc người thân và bạn bè xung quanh để hỗ trợ.
Bước 4: Phân loại các trường trong danh sách
Sau khi đã có được một danh sách rút gọn, bạn cần phân loại các trường trong danh sách của mình thành 3 nhóm trường an toàn, trường mục tiêu, và trường mơ ước. Bạn cần đảm bảo danh sách của mình có sự cân bằng giữa ba nhóm trường này. Nếu danh sách của bạn có quá nhiều trường mơ ước nhưng lại ít trường an toàn thì bạn nên loại bỏ bớt trường mơ ước và thêm vào các trường an toàn phù hợp. Sau quá trình phân loại và chỉnh sửa này, bạn đã có được cho mình một danh sách trường đại học Mỹ để chuẩn bị ứng tuyển rồi.
Bước 5: Quản lý danh sách
Để quản lý danh sách này, bạn hãy lưu trữ các thông tin về từng trường, đặc biệt là thông tin về điều kiện tuyển sinh thành các mục khác nhau để tiện theo dõi và lên kế hoạch chuẩn bị hồ sơ.
Bước 6: Lên kế hoạch chuẩn bị hồ sơ cho từng trường
Dựa vào danh sách trường đại học, bạn có thể lập chiến lược và kế hoạch chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển sao cho phù hợp. Bạn có thể tham khảo bảng kế hoạch của Aralia nhé!
5. Mẹo giúp bạn lập danh sách đại học Mỹ dễ dàng hơn
Quá trình tìm chọn và lập danh sách đại học Mỹ đòi hỏi bạn phải đầu tư nhiều thời gian và công sức. Để giúp bạn tìm chọn trường, Aralia gợi ý cho bạn một vài mẹo nhỏ:
Trao đổi với phụ huynh: bố mẹ là những người hiểu bạn nhất nên sẽ có thể đưa ra lời khuyên hữu ích cho bạn. Đừng ngần ngại mà hãy trao đổi những băn khoăn hay sự phân vân của mình với phụ huynh nhé.
Lập bảng so sánh: Để có thể so sánh một cách trực quan và cụ thể bạn có thể sử dụng bảng so sánh và nhập các tiêu chí của bản thân cũng như thông tin tương ứng của từng trường. Bảng so sánh này cũng sẽ là công cụ hữu ích giúp bạn phân loại các trường trong danh sách của mình.
Sử dụng các công cụ tra cứu phù hợp: Bạn có biết rằng có rất nhiều công cụ tra cứu trường đại học hữu ích mà bạn có thể sử dụng kết hợp để có được thông tin đa dạng và bao quát nhất về các trường? Nếu bạn chỉ đang sử dụng một hoặc hai công cụ tìm kiếm thì hãy tham khảo thêm các công cụ khác qua bài viết này của Aralia nhé!
Đăng ký tham quan trường dạng trực tuyến: Một trong những điểm thiệt thòi của các bạn học sinh quốc tế đó là bạn sẽ khó có cơ hội tham quan các trường đại học (college tour) một cách trực tiếp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, rất nhiều trường đại học đã có lựa chọn tham quan trường dạng trực tuyến. Nếu trường bạn đang tìm hiểu có các chuyến thăm quan trực tuyến này thì bạn rất nên đăng ký tham gia. Tham quan trường sẽ là cơ hội để bạn có được những trải nghiệm thật nhất thay vì chỉ dựa trên các hình ảnh trên internet hay số liệu khô khan.
Tìm hiểu về cộng đồng sinh viên Việt Nam tại các trường đại học Mỹ: Đây là một yếu tố thường bị các bạn học sinh bỏ qua vì thông tin này không xuất hiện trên các trang tìm kiếm đại học Mỹ. Với các bạn du học sinh đi học ở một đất nước xa xôi như nước Mỹ thì các trường có cộng đồng sinh viên Việt Nam năng động sẽ giúp bạn hòa nhập và làm quen nhanh chóng hơn. Bạn cũng có thể liên hệ với các anh chị sinh viên Việt Nam đang học tại trường để tìm hiểu thêm các thông tin về trải nghiệm thực tế tại trường, hỗ trợ quá trình lập danh sách đại học của bạn.

Luyện Thi Cuộc Thi Quốc Tế
Luyện Thi Cuộc Thi Quốc Tế Làm nổi bật hồ sơ với các cuộc thi Rèn kỹ năng, nắm chắc tư duy chiến lược và

Nghiên Cứu và Xuất Bản
Nghiên Cứu và Xuất Bản Đẩy mạnh hồ sơ đại học Hỗ trợ học sinh khám phá sở thích, thực hiện nghiên cứu chuyên sâu