+1 (603) 932 7897

info@aralia.com

MỤC LỤC

Học bổng du học Mỹ – Các hình thức hỗ trợ tài chính du học Mỹ cho sinh viên quốc tế

Học bổng du học Mỹ luôn là mơ ước của rất nhiều học sinh. Nhưng bạn có biết rằng ngoài học bổng, đại học Mỹ còn có các chính sách hỗ trợ tài chính khác để góp phần giảm bớt áp lực tài chính cho học sinh và gia đình học sinh? Nếu bạn đang có ý định tìm kiếm học bổng hay xin hỗ trợ tài chính du học Mỹ thì hãy cùng Aralia tìm hiểu từ a đến z các hình thức hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế tại Mỹ và làm thế nào để ứng tuyển trong bài viết này nhé.

Trong các bài viết trước, Aralia đã phân tích chi tiết về chi phí du học Mỹ cũng như sự chênh lệch về chi phí giữa các bang tại Mỹ để giúp bạn có thêm thông tin trong việc lựa chọn trường đại học với mức chi phí phù hợp.

85% học sinh của Aralia đạt giải cao trong các cuộc thi viết luận quốc tế

Mở rộng cơ hội nộp hồ sơ vào các trường đại học top đầu tại Mỹ và nhận mức hỗ trợ tài chính cao qua việc tham gia các cuộc thi quốc tế. Aralia có đội ngũ giáo sư và giáo viên từ các trường trung học và đại học nổi tiếng tại Mỹ với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và luyện thi cho các cuộc thi quốc tế như cuộc thi Viết luận John Locke (John Locke Essay Competition), cuộc thi Nâng cao Nhận thức về Đại dương (Ocean Awareness Contest).
Hỗ trợ tài chính là gì?

Hỗ trợ tài chính là các hình thức tài trợ khác nhau giúp sinh viên chi trả chi phí đại học tại Mỹ. Các hỗ trợ này có thể đến từ chính phủ Mỹ, chính quyền bang, các tập đoàn hay tổ chức phi chính phủ cung cấp nhiều nguồn tài trợ cho giáo dục, chính phủ tại quốc gia học sinh cư trú, hoặc đến từ chính trường đại học mà học sinh trúng tuyển. Hỗ trợ tài chính có nhiều hình thức khác nhau với những đặc thù riêng.

1. Chi phí du học Mỹ và hỗ trợ tài chính cho du học sinh

Du học Mỹ vốn nổi tiếng với chi phí đắt đỏ. Giáo dục Mỹ có chi phí gần như đắt nhất trên thế giới, đặc biệt tại các trường đại học công lập danh giá như khối Ivy League. Aralia đã có một bài viết chi tiết phân tích chi phí du học Mỹ trung bình để bạn tham khảo. Theo báo cáo Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế (Institute of International Education – IIE) năm 2023, gần 60% chi phí học tập tại Mỹ của du học sinh được chi trả bởi thu nhập của gia đình và thu nhập của cá nhân sinh viên. Đứng thứ hai trong danh sách này, chiếm 19.7% là sự hỗ trợ đến từ các trường đại học.

Screenshot 2025 04 08 2.33.30 PM

Từ thông tin này, có thể thấy hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế tại Mỹ là không nhiều. Thường những nguồn tài trợ lớn như học bổng toàn phần sẽ đến từ các trường đại học lớn và danh giá tại Mỹ với nguồn kinh phí lớn. Tuy nhiên, trong một năm trở lại đây, các trường đại học tại Mỹ đang có phong trào miễn học phí cho sinh viên từ các gia đình có thu nhập thấp và trung bình, phần nào làm giảm gánh nặng tài chính cho học sinh khi theo đuổi giáo dục đại học Mỹ.

Hỗ trợ tài chính tại Đại học Mỹ được chia thành 2 dạng chính: “Need-based” (hỗ trợ dựa trên khả năng tài chính của học sinh và gia đình) và “Merit-based” (hỗ trợ dành cho các sinh viên có thành tích xuất sắc). Hỗ trợ tài chính “Need-based” sẽ dựa trên tình trạng tài chính của học sinh và gia đình học sinh và được trao bởi chính phủ Mỹ, chính quyền bang, hoặc trường đại học dưới một trong các dạng hoặc sự kết hợp của các hình thức: học bổng, chu cấp (grants), việc làm thêm trong trường (work-study), và khoản vay sinh viên (student-loan). Hỗ trợ tài chính “Merit-based” sẽ không dựa trên tình trạng tài chính của sinh viên mà tập trung vào đánh giá kết quả học tập, năng lực, và thành tích mà sinh viên đạt được. Hỗ trợ dựa trên thành tích này sẽ thường được trao bởi trường đại học theo hình thức học bổng, tiền chu cấp (grants), hoặc giảm mức học phí.

Hỗ trợ tài chính “Need-based”

Hỗ trợ tài chính “Merit-based”

Hỗ trợ dựa trên tình trạng tài chính của gia đình và sinh viên ứng tuyển

Hỗ trợ dựa trên kết quả học tập, năng lực và thành tích của sinh viên ứng tuyển

Thường được cấp bởi chính phủ, chính quyền bang (đối với sinh viên Mỹ), hoặc trường đại học

Thường được cấp bởi trường đại học hoặc các tổ chức, quỹ giáo dục

Các hình thức hỗ trợ:

  • Học bổng (scholarships)
  • Tiền chu cấp (grants)
  • Công việc làm thêm trong trường (work-study)
  • Khoản vay sinh viên (student loans)

Các hình thức hỗ trợ

  • Học bổng (scholarships)
  • Tiền chu cấp (grants)
  • Giảm mức học phí (tuition discounts)

Trong nhiều trường hợp, thuật ngữ học bổng (scholarships) có thể dùng để chỉ hỗ trợ tài chính “Merit-based” (merit-based financial aid) và ngược lại. Sự tương đồng giữa các thuật ngữ về hỗ trợ tài chính này đôi khi sẽ khiến các bạn học sinh dễ bị nhầm lẫn. Aralia sẽ giải thích chi tiết về từng thuật ngữ ở phía dưới nhé.

2. Sinh viên quốc tế có được nhận hỗ trợ tài chính không?

Sinh viên quốc tế vẫn có cơ hội được nhận hỗ trợ tài chính tuy nhiên cơ hội sẽ hạn chế hơn so với sinh viên bản địa Mỹ. Sinh viên quốc tế không được nhận các tài trợ từ chính phủ Mỹ hay chính quyền các bang tại Mỹ mà chỉ được nhận hỗ trợ từ trường, các tổ chức bên ngoài, hay từ chính phủ của quốc gia mình.

3. Hỗ trợ tài chính (Financial Aid) và học bổng (Scholarships) có giống nhau không?

Học bổng là một hình thức của hỗ trợ tài chính. Với học bổng, sinh viên sẽ nhận được khoản tiền tài trợ mà không cần hoàn trả lại. Trong khi đó, một số hình thức hỗ trợ tài chính khác như khoản vay sinh viên (student loan) sẽ yêu cầu học sinh hoàn trả sau khi tốt nghiệp. Student loan sẽ được giải thích thêm ở phần bên dưới

4. Chính sách tuyển sinh need-blind và need-aware

Trong quá trình ứng tuyển đại học Mỹ và chuẩn bị hồ sơ xin hỗ trợ tài chính, các bạn học sinh sẽ hay bắt gặp hai khái niệm “ Need-blind” và “Need-aware”. Đây là hai chính sách tuyển sinh có liên quan đến khả năng tài chính của học sinh và gia đình được áp dụng bởi các trường đại học tại Mỹ:

  • Need-blind: các trường đại học áp dụng chính sách này thường sẽ không xem xét đến khả năng tài chính và khả năng chi trả học phí của học sinh và gia đình học sinh trong quá trình ứng tuyển. Kể cả khi bạn không đủ khả năng chi trả học phí nhưng bạn đủ điều kiện được nhận vào trường thì trường vẫn sẽ nhận bạn và cung cấp hỗ trợ tài chính phù hợp để bạn có thể theo học tại trường. Chính sách này thường được áp dụng tại các trường đại học hàng đầu tại Mỹ với danh tiếng và nguồn tài trợ lớn như Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
  • Need-aware: các trường đại học áp dụng chính sách này sẽ cân nhắc cả yếu tố tài chính và khả năng chi trả của học sinh và gia đình trong quá trình xét tuyển. Các trường này vẫn có thể cho bạn học bổng và hỗ trợ tài chính tuy nhiên trường sẽ cân nhắc số lượng các bạn học sinh cần hỗ trợ tài chính được nhận dựa trên khả năng hỗ trợ của trường.

Bên cạnh đó, nhiều trường đại học tại Mỹ áp dụng chính sách tuyển sinh khác biệt giữa sinh viên quốc tế và sinh viên bản địa Mỹ. Ví dụ, trường có thể áp dụng need-blind cho sinh viên Mỹ nhưng áp dụng need-aware cho sinh viên quốc tế. Lý do có sự chênh lệch này là bởi các bạn sinh viên Mỹ ngoài nguồn hỗ trợ của trường còn được nhận tài trợ từ chính quyền liên bang và chính phủ Mỹ. Bạn cần kiểm tra kỹ chính sách tuyển sinh của trường dành cho sinh viên quốc tế để có thể lên kế hoạch và danh sách trường ứng tuyển phù hợp.

Các hình thức hỗ trợ tài chính du học Mỹ dành cho sinh viên quốc tế

Thông thường các hình thức hỗ trợ tài chính tại đại học Mỹ được chia thành 4 dạng chính bao gồm: học bổng (scholarships), tiền chu cấp (grants), việc làm thêm trong khuôn viên trường (work-study) và khoản vay sinh viên (student loans). Học bổng thường sẽ được xét dựa trên hồ sơ năng lực của các ứng viên. Chỉ những học sinh có thành tích xuất sắc mới có thể nhận được học bổng.

1. Học Bổng

Học bổng là một trong những hình thức hỗ trợ tài chính được săn đón nhất bởi khoản hỗ trợ này có thể lên tới toàn bộ học phí và chi phí sinh hoạt trong quá trình học tập tại Mỹ. Đây là khoản tiền miễn phí không cần hoàn trả, được trao dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau như thành tích học tập, kỹ năng lãnh đạo, tài năng nghệ thuật hoặc thể thao, hoặc nhu cầu tài chính của từng học sinh ứng tuyển. Học bổng trong nhiều trường hợp có thể được gọi với cái tên “merit-based financial aid” hay “Presidential scholarship” tùy theo quy định của từng trường.

Học bổng có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau như:

  • Các trường đại học tại Mỹ: học bổng này thường sẽ ở dạng “Merit-based” (dựa trên thành tích cá nhân) hoặc “Need-based” (dựa trên nhu cầu tài chính của học sinh và gia đình học sinh). Ngoài ra, trong quá trình học, sinh viên cũng có thể tham gia các học bổng dành cho sinh viên xuất sắc hay sinh viên đạt thành tích cao của khoa, của viện.
  • Các tổ chức phi lợi nhuận, doanh nghiệp, hoặc chính phủ: bạn có thể tìm kiếm các học bổng từ nguồn này qua các công cụ tra cứu đại học Mỹ
  • Các chương trình học bổng toàn phần: tại Việt nam, có một số chương trình học bổng toàn phần uy tín như học bổng UWC

Bạn cần lưu ý rằng quy định về học bổng tại mỗi trường là khác nhau nên bạn cần tìm hiểu kỹ về điều này tại trang web chính thức của từng trường. Có những loại học bổng chỉ dành cho sinh viên năm nhất và những năm tiếp theo khi học tại trường bạn cần nộp hồ sơ để chuyển sang loại học bổng khác.

2. Giảm học phí (Tuition discounts)

Là một hình thức hỗ trợ tài chính dạng “Merit-based”, giảm học phí thường được áp dụng trực tiếp lên hóa đơn thanh toán học phí của học sinh khi bắt đầu học tập tại trường. Tùy theo hồ sơ năng lực của mỗi học sinh mà trường có thể đưa ra các mức giảm học phí khác nhau với mức giảm lớn nhất là miễn hoàn toàn học phí.

Việc bạn sẽ nhận được mức giảm học phí là bao nhiêu sẽ thường được thông báo trong thư trúng tuyển hoặc ngay sau khi bạn được nhận vào trường. Bạn có thể lấy tổng chi phí trừ đi số tiền được giảm để biết mình cần phải đóng thêm bao nhiêu tiền mỗi năm nhé.

3. Tiền chu cấp (Grants)

Grants cũng là một khoản hỗ trợ không cần hoàn trả, nhưng thường dựa trên nhu cầu tài chính cá nhân của mỗi học sinh ứng tuyển nhiều hơn là thành tích học tập. Rất nhiều trường đại học hàng đầu tại Mỹ tạo điều kiện cho học sinh đạt yêu cầu được học tập tại trường dù điều kiện tài chính không cho phép qua hình thức grants. Ví dụ, dựa trên hồ sơ xin hỗ trợ tài chính mà bạn nộp, bạn và gia đình chỉ có thể chi một khoản tiền A cho học phí và các chi phí đại học khác thì trường sẽ có thể tạo điều kiện cho bạn theo học bằng cách tài trợ phần chi phí còn thiểu (tổng chi phí trừ khoản A) qua hình thức grants cộng với các hình thức hỗ trợ tài chính khác. Tuy grants phổ biến hơn đối với sinh viên bản địa hoặc thường trú nhân Mỹ, vẫn có một số chương trình grants hỗ trợ sinh viên quốc tế, đặc biệt ở bậc sau đại học.

Để đảm bảo nhận được số tiền grants được nhận mỗi năm, sinh viên sẽ thường phải cam kết học tập nghiêm túc và có thể phải duy trì thành tích học tập tốt trong suốt thời gian học.

Aralia Kết Nối Các Giáo Viên Hàng Đầu Tại Mỹ Đến Với Học Sinh Việt Nam

Các giáo viên của Aralia có ít nhất 8 năm kinh nghiệm giảng dạy tại các trường trung học nội trú, công lập top đầu nước Mỹ và đại học nổi tiếng. Các giáo viên của chúng tôi luôn nỗ lực đem đến các chương trình ôn luyện chất lưọng cho các cuộc thi quốc tế, hỗ trợ học sinh đạt các giải thưởng danh giá, đồng thời không ngừng cải thiện giáo trình các khóa học nâng cao GPA và luyện thi các chứng chỉ quốc tế giúp các bạn học sinh xây dựng hồ sơ học tập ấn tượng để ứng tuyển các trường đại học hàng đầu.
4. Việc làm thêm trong trường (Work-study)

Chương trình Work-Study cho phép sinh viên làm việc bán thời gian trong khuôn viên trường để kiếm thêm thu nhập trang trải sinh hoạt phí. Chương trình này phổ biến hơn cho công dân hoặc thường trú nhân Mỹ, tuy vậy, một số trường đại học vẫn có các vị trí làm thêm cho sinh viên quốc tế. Sinh viên quốc tế sở hữu visa du học (F1) tại Mỹ chỉ được phép làm tối đa 20 tiếng một tuần tại khuôn viên trường nên mức hỗ trợ hay giảm học phí từ work-study thường không quá lớn. Các bạn sinh viên thường dùng số tiền lương từ công việc làm thêm tại trường để chi trả các chi phí sinh hoạt trong thời gian học.

Ngoài ra, bạn cần phân biệt sự khác nhau giữa chương trình work-study dành cho sinh viên bản địa và dành cho sinh viên quốc tế để ứng tuyển đúng nhé. Work-study cho sinh viên Mỹ là việc làm bán thời gian trong trường có thể được trả lương bởi chính phủ, hoặc chính quyền bang. Work-study cho sinh viên quốc tế còn có thể được gọi là “part-time job” (công việc bán thời gian), thường được trả lương bởi nhà trường.

Nhiều trường đại học Mỹ sẽ không đưa ra hỗ trợ theo hình thức công việc bán thời gian cho sinh viên quốc tế nhưng bạn hoàn toàn có thể nộp đơn ứng tuyển các công việc trong khuôn viên trường sau khi đã nhập học. Các công việc phổ biến trong khuôn viên trường có thể kể đến như:

  • Trợ lý thư viện
  • Trợ giảng (Teacher Assistant – TA)
  • Quản lý ký túc xá sinh viên
  • Hỗ trợ phòng nghiên cứu hoặc văn phòng hành chính
  • Nhân viên quán cà phê trong trường
5. Khoản vay sinh viên (Student Loan)

Đây là hình thức hỗ trợ tài chính ít phổ biến nhất đối với sinh viên quốc tế. Khoản vay sinh viên là hình thức hỗ trợ tài chính mà sinh viên phải hoàn trả sau khi tốt nghiệp. Thông thường, sinh viên bản địa Mỹ thường vay từ các chương trình vay của chính phủ Mỹ hoặc chính phủ bang. Tuy nhiên, hình thức vay này không áp dụng cho du học sinh. Du học sinh thường chỉ có thể vay tiền từ quỹ của trường hoặc từ ngân hàng.

6. Hỗ trợ tài chính (Financial Aid) và học bổng (Scholarships) có giống nhau không?

Học bổng là một hình thức của hỗ trợ tài chính. Với học bổng, sinh viên sẽ nhận được khoản tiền tài trợ mà không cần hoàn trả lại. Trong khi đó, một số hình thức hỗ trợ tài chính khác như khoản vay sinh viên (student loan) sẽ yêu cầu học sinh hoàn trả sau khi tốt nghiệp.

7. Phân biệt các hình thức hỗ trợ tài chính

Hình Thức

Cần Hoàn Trả

Dựa Trên Thành Tích

Dựa Trên Nhu Cầu Tài Chính

Có Thu Nhập

Dành Cho SV Quốc Tế

Học Bổng

Không

Không

Grant

Không

Không

Không

Có (hạn chế)

Work-Study

Không

Không

Có (tùy trường)

Student Loan

Không

Không

Có (giới hạn)

Xin hỗ trợ tài chính du học Mỹ như thế nào?
1. Hồ Sơ Xin Hỗ Trợ Tài Chính

Để xin hỗ trợ tài chính từ các trường đại học Mỹ, sinh viên quốc tế cần chuẩn bị một bộ hồ sơ xin hỗ trợ tài chính, bao gồm:

Đơn xin hỗ trợ tài chính: quan trọng nhất trong hồ sơ là đơn xin hỗ trợ tài chính. Mẫu đơn phổ biến nhất là CSS profile, tuy nhiên tùy theo quy định của trường mà sẽ có các mẫu đơn khác nhau bạn cần chuẩn bị.

  • Mẫu CSS Profile (dành cho các trường yêu cầu đánh giá nhu cầu tài chính chi tiết).
  • Mẫu ISFAA (International Student Financial Aid Application) cho trường không dùng CSS Profile.
  • Một số trường có mẫu riêng (ví dụ: Harvard Financial Aid Application).

Chứng minh tài chính: bạn cần chuẩn bị giấy tờ chứng minh thu nhập và tài sản của cha mẹ hoặc người bảo hộ sẽ chi trả chi phí học đại học cho bạn để thể hiện rằng mình cần hỗ trợ tài chính để có thể theo học tại trường. Các giấy tờ chứng minh tài chính có thể bao gồm:

  • Sao kê ngân hàng, bảng lương của bố mẹ, giấy tờ chứng minh thu nhập.
  • Tài liệu giải thích nguồn tiền (nếu có người bảo trợ).
  • Tài liệu chứng minh tài sản sở hữu (hộ khẩu, giấy tờ xe,…)

Ngoài ra, tùy theo quy định và yêu cầu của chương trình học bổng hay hỗ trợ tài chính mà bạn muốn ứng tuyển, bạn có thể cần chuẩn bị thêm một số giấy tờ sau:

Thư giới thiệu: Từ giáo viên, cố vấn hoặc người quản lý, nhấn mạnh năng lực và hoàn cảnh của bạn.

Bài luận cá nhân: Một số học bổng và hình thức hỗ trợ tài chính có thể yêu cầu bạn chuẩn bị bài luận riêng bên cạnh bài luận bạn đã chuẩn bị cho hồ sơ du học để nêu lý do tại sao bạn lựa chọn học bổng này và điều gì khiến bạn là ứng viên phù hợp cho học bổng

Bảng điểm và thành tích: GPA cao, điểm SAT/ACT, IELTS/TOEFL, giải thưởng học thuật hoặc ngoại khóa.

Bạn nên kiểm tra kỹ thông tin về quy định của hồ sơ để chuẩn bị đầy đủ nhất.

Hầu hết các trường đại học sẽ yêu cầu bạn nộp hồ sơ xin hỗ trợ tài chính cùng lúc nộp hồ sơ du học. Một số bạn học sinh lo lắng rằng việc xin hỗ trợ tài chính ngay khi ứng tuyển vào trường sẽ tạo ra bất lợi và làm giảm cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên nếu tài chính là một yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn và quyết định đại học của bạn thì nộp hồ sơ tài chính cùng lúc với hồ sơ ứng tuyển sẽ giúp bạn loại bỏ được các trường không có khả năng hoặc không đồng ý hỗ trợ tài chính cho bạn và chỉ tập trung vào các trường có mức hỗ trợ phù hợp.

2. Làm thế nào để được nhận hỗ trợ tài chính?

Đối với các trường đại học có chính sách tuyển sinh need-blind thì bạn chỉ cần hồ sơ đạt tiêu chí tuyển sinh của trường và thành công trúng tuyển là sẽ có hỗ trợ tài chính phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Tuy nhiên đối với hầu hết các trường đại học tại Mỹ, bạn cần có một hồ sơ du học xuất sắc và nổi bật hơn so với mặt bằng chung ứng viên ứng tuyển tại trường để nhận được các mức hỗ trợ tài chính cao. Để xây dựng một hồ sơ nổi bật, bạn cần tập trung vào các hoạt động học thuật và xây dựng các hoạt động ngoại khóa có thể làm nổi bật và bổ trợ cho đam mê, sở thích hay năng lực của mình. Gợi ý từ hội đồng tuyển sinh của đại học MIT và đại học Cornell để giúp hồ sơ của bạn ấn tượng hơn đó là bạn nên tìm sự liên kết giữa sở thích và đam mê cá nhân với sự phát triển và xu hướng của thời đại. Ví dụ, nếu bạn yêu thích ngành y tế cộng đồng, bạn có thể áp dụng những sự phát triển của khoa học máy tính để tìm ra các giải pháp giải quyết những vấn đề trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Các trường đại học tìm kiếm không chỉ những cá nhân xuất sắc mà cả những ý tưởng độc đáo, những suy nghĩ sáng tạo, và đổi mới.

Bên cạnh đó, xây dựng các bộ kỹ năng mềm cũng là một cách giúp bạn ghi điểm trong mắt hội đồng tuyển sinh. Theo US News, sinh viên quốc tế nên chú trọng phát triển các kỹ năng dưới đây:

  • Kỹ năng lãnh đạo: Đây là một trong những kỹ năng được đánh giá rất cao bởi hội đồng tuyển sinh đại học Mỹ. Kỹ Năng lãnh đạo có thể thể hiện qua việc bạn là đội trưởng đội thể thao của trường, là trường một câu lạc bộ, hay bạn điều hành dự án khởi nghiệp của riêng mình.
  • Kỹ năng viết: Là một sinh viên quốc tế, việc bạn có khả năng viết tiếng Anh thành thạo và truyền tải được các quan điểm cá nhân qua ngôn từ là một điểm cộng lớn, thể hiện sự nghiêm túc của bạn với việc học tập tại Mỹ. Để chứng minh khả năng viết xuất sắc của bản thân, bạn có thể tham gia các cuộc thi viết quốc tế hoặc dành nhiều thời gian để xây dựng bài luận du học ấn tượng.
3. Tips để xin học bổng và hỗ trợ tài chính thành công

Đừng chỉ tập trung vào các trường đại học công lập: Mặc dù các trường đại học công lập tại Mỹ thường có học phí rẻ hơn đại học tư nhân, tuy nhiên nguồn quỹ của các đại học công lập thường có phần hạn chế hơn và tập trung nhiều dành cho các sinh viên Mỹ. Các trường đại học tư có nguồn tài trợ dồi dào hơn và nắm toàn quyền quyết định về việc trường sẽ trao học bổng cho ai. Nếu bạn có cơ hội nhận được các học bổng lớn tại đại học tư thì chi phí có thể sẽ còn rẻ hơn đại học công lập.

Chuẩn bị hồ sơ từ sớm: So với các học sinh chỉ nộp hồ sơ ứng tuyển thông thường thì bạn sẽ cần chuẩn bị nhiều giấy tờ hơn để xin hỗ trợ tài chính. Các giấy tờ chứng minh tài chính thường có phần phức tạp hơn do sự khác biệt giữa Mỹ và Việt Nam nên bạn nên bắt đầu sớm để có sự chuẩn bị tốt nhất.

Làm quen với các thuật ngữ của hồ sơ tài chính: sự khác biệt về ngôn ngữ và các loại giấy tờ sử dụng để chứng minh tài chính tại Việt Nam có thể đem đến cho bạn nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị giấy tờ. Bạn hãy nghiên cứu về từng loại giấy tờ trước khi chuẩn bị để hiểu rõ yêu cầu và tránh việc nộp nhầm hay nộp thiếu giấy tờ nhé.

Tìm kiếm học bổng từ chính chủ, các quỹ, tập đoàn tại Việt Nam: Ngoài học bổng và hỗ trợ tài chính từ đại học Mỹ, bạn cũng có thể tìm kiếm học bổng từ những nguồn khác nhau. Tại Việt Nam cũng có những công ty như Vingroup với học bổng dành cho bậc cao học.

Các đại học Mỹ có chính sách học bổng và hỗ trợ tài chính hào phóng cho sinh viên quốc tế

Theo thống kê của US News, dưới đây là danh sách 20 trường đại học có hỗ trợ tài chính hào phóng nhất dành cho sinh viên quốc tế:

Học bổng du học Mỹ - Các trường đại học Mỹ hào phóng với sinh viên quốc tế

Nguồn: US News

Việc lựa chọn các trường đại học có chính sách tuyển sinh need-blind đối với sinh viên quốc tế cũng mở ra nhiều cơ hội hơn để bạn được hỗ trợ tài chính. Bạn cũng nên cập nhật thông tin về các trường đại học Mỹ có chính sách miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập thấp và trung bình tại Mỹ để có cơ hội được hưởng mức học phí ưu đãi hơn tại các trường này.

Chinh phục học bổng và hỗ trợ tài chính là một điều không hề dễ dàng mà đòi hỏi một quá trình dài chuẩn bị và cố gắng. Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho hành trình chuẩn bị hồ sơ của mình, hãy theo dõi các bài viết trong chuỗi chủ đề về du học Mỹ của Aralia nhé!

Đọc thêm:

Tác Giả
Trang là cựu sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Northeastern với bằng cử nhân về Quản trị Kinh doanh. Xuất thân từ Việt Nam, Trang có sự hiểu biết sâu sắc về những thách thức đặc biệt mà sinh viên quốc tế phải đối mặt khi theo đuổi giáo dục đại học tại Hoa Kỳ. Với kinh nghiệm trực tiếp trong quá trình nộp đơn vào đại học, cuộc sống học tập và hòa nhập xã hội, Trang muốn giúp đỡ các sinh viên quốc tế khác thành công cả về mặt học thuật lẫn xã hội.

Tags:

Đăng ký tư vấn và nhận thêm thông tin về lớp học
Mọi người đều đọc
Đăng ký tư vấn và nhận thêm thông tin về lớp học
Scroll to Top
Aralia students are 4x more likely to win prizes in top-tier competitions

We pair you with award-winning teachers to prepare for your competition of choice, ensuring you receive the best support.

Nâng Cao Điểm AP Trong Một Học Kỳ

Các giảng viên của chúng tôi bao gồm những giáo viên trung học và đại học dày dạn kinh nghiệm với hơn 20 năm trong nghề, nhiều người trong số họ là giám khảo chấm thi AP và đã từng giảng dạy tại các trường nội trú danh tiếng. Hãy tham gia cùng chúng tôi để cải thiện thành tích AP!