Giới thiệu về cách phân loại hệ thống các trường đại học ở Mỹ
Theo thông tin từ US News, để xác định các mô hình trường đại học được sử dụng trong bảng xếp hạng Các Trường Đại Học Tốt Nhất Hoa Kỳ hằng năm, U.S. News đã dựa trên hệ thống Phân Loại Cơ Bản của Carnegie Classification of Institutions of Higher Education. Phân loại Carnegie, được các nhà nghiên cứu giáo dục đại học sử dụng rộng rãi, là tiêu chuẩn trong giáo dục đại học tại Hoa Kỳ.
U.S. News đã gộp 10 hạng mục của Carnegie từ Phân Loại Cơ Bản thành bốn nhóm chính: Các Trường Đại Học Quốc Gia (National Universities), Các Trường Đại học Nghệ Thuật Tự Do Quốc Gia (Liberal Arts Colleges), Các Viện Đại Học Vùng (Regional Universities) và Các Trường Đại học Vùng (Regional Colleges).

Ngoài hệ thống các trường đại học, ở Mỹ còn có hệ thống các trường Cao đẳng thường được gọi với cái tên Community College – Cao đẳng Cộng đồng.
Chinh phục kỳ thi AP cùng giáo viên từ trường trung học top đầu tại Mỹ
Giải mã thuật ngữ
Trước khi đến với thông tin cụ thể về từng mô hình đại học và cao đẳng Mỹ, hãy cùng tìm hiểu một số thuật ngữ cần biết.
1. College là cao đẳng hay đại học?
Một câu hỏi thường gặp khi tìm hiểu về giáo dục đại học ở Mỹ là ý nghĩa của từ “College” và cách từ này được sử dụng trong việc đặt tên các trường đại học và cao đẳng. College dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “cao đẳng”. Tuy nhiên, trong hệ thống đại học Mỹ, College không chỉ để chỉ các trường cao đẳng mà còn có những ý nghĩa khác:
- College có thể là các trường đại học tập trung đào tạo hệ 4 năm, cấp bằng cử nhân (Bachelor’s degree); thường không đào tạo hệ cao học hoặc đào tạo với số lượng nhỏ. Ví dụ: Williams College (một trường Liberal Arts danh tiếng).
- College cũng có thể chỉ cao đẳng cộng đồng (Community College) – hệ đào tạo 2 năm cấp bằng Associate’s degree hoặc cơ hội chuyển tiếp sang chương trình đại học.
- College cũng có thể chỉ các trường đại học nhỏ trực thuộc đại học lớn. Có rất nhiều trường đại học lớn tại Mỹ đào tạo nhiều chuyên ngành khác nhau và chia thành các trường nhỏ tương ứng với mỗi chuyên ngành hoặc hệ đào tạo của trường đại học lớn, những trường này sẽ được gọi là “college” trực thuộc “university”. Ví dụ: Harvard College là trường đào tạo hệ cử nhân thuộc Harvard University.
Vậy nếu College cũng là đại học và University cũng là đại học, thì sự khác biệt giữa “college” và “university” là gì? Mặc dù trong nhiều ngữ cảnh, hai từ này có thể dùng thay thế cho nhau, nhưng thực tế, chúng có một số khác biệt cơ bản.
- College: Thường chỉ những trường có chương trình học đại học và không bao gồm hoặc ít tập trung đào tạo các chương trình sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ). Các trường này thường có quy mô nhỏ, tập trung vào giảng dạy và phát triển toàn diện cho sinh viên.
- University: Là những tổ chức giáo dục đại học lớn hơn, có cả chương trình đào tạo đại học lẫn sau đại học, và thường có nhiều trường nhỏ hoặc khoa chuyên môn.
2. Đại học công lập và đại học tư thục
Ngoài 4 phân loại các trường đại học theo U.S. News được nêu trên, ở Mỹ, trường đại học còn được chia thành: đại học công lập và đại học tư thục.
- Đại học công lập (Public Universities): Đây là các trường do chính phủ tài trợ và điều hành. Học phí cho sinh viên trong tiểu bang thường thấp hơn so với sinh viên ngoài tiểu bang. Các trường công lập thường có quy mô lớn và phục vụ một lượng lớn sinh viên.
- Đại học tư thục (Private Universities): Các trường này được điều hành bởi các tổ chức tư nhân và không nhận sự tài trợ trực tiếp từ chính phủ. Vì vậy, học phí tại các trường tư thục thường cao hơn, nhưng tùy vào mục đích giảng dạy và nguồn tài chính của từng trường mà chất lượng học tập và cơ sở vật chất có thể sánh ngang với các trường công lập.
Ví dụ: trong nhóm trường đại học quốc gia, sẽ có trường đại học quốc gia công lập như Đại học Texas (University of Texas) và có nhóm đại học tư thục như Đại học Stanford (Stanford University).
Số lượng các trường đại học công lập và tư thục tại Mỹ
Các mô hình trường đại học Mỹ | # Trường công lập | # Trường tư thục |
Đại học Quốc gia (National University) | 225 | 207 |
Viện Đại học Vùng (Regional University) | 237 | 338 |
Đại học Vùng (Regional College) | 197 | 185 |
Đại học Nghệ thuật tự do (Liberal Arts College) | 19 | 192 |
So sánh trường đại học công lập và tư thục
Sự khác biệt lớn nhất giữa các trường đại học công lập và tư thục tại Mỹ là nguồn tài trợ và quản lý của trường. Các trường đại học công lập nhận nguồn tài trợ từ chính phủ Mỹ và chính phủ liên bang để hoạt động nên nguồn tài chính của trường phụ thuộc rất lớn vào kinh tế của tiểu bang và sự đầu tư cho giáo dục tại bang đó. Các trường đại học tư thục thường tự chủ về tài chính, nguồn tài chính sẽ đến từ học phí và tài trợ từ các tổ chức và mạnh thường quân không trực thuộc chính phủ. Sự khác biệt này dẫn đến sự chênh lệch về học phí tại trường đại học công lập và tư thục, đại học tư thục thường có học phí cao hơn.
Tuy nhiên, công lập hay tư thục không phải là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của các trường đại học. Đa số các trường đại học danh tiếng và lâu đời tại Mỹ như các trường Ivy League là trường đại học tư thục hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận, tập trung đầu tư vào phát triển chất lượng giáo dục, nghiên cứu, và đời sống của học sinh. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều trường đại học công lập tại Mỹ với chất lượng giáo dục hàng đầu và tỉ lệ học sinh trúng tuyển trên tổng số học sinh ứng tuyển không thua kém các trường Ivy League như Đại học bang California tại Los Angeles (University of California, Los Angeles – UCLA).
Phân loại các trường đại học và cao đẳng ở Mỹ
1. Đại học quốc gia (National Universities)

Trường Đại học bang California Los Angeles (University of California, Los Angeles – UCLA)
Đại học quốc gia là những trường đại học lớn, nổi bật và có danh tiếng không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Những trường này cung cấp đầy đủ các chương trình đại học và sau đại học, thường có nhiều khoa chuyên môn, các trung tâm nghiên cứu và các chương trình học bổng đa dạng. Các đại học quốc gia thường thu hút sinh viên quốc tế nhờ vào các chương trình nghiên cứu tiên tiến và đội ngũ giảng viên xuất sắc.
Các trường này còn có đặc điểm là có sự đa dạng về sinh viên và môi trường học tập. Một số trường điển hình thuộc loại này bao gồm Đại học Harvard (Harvard University), Đại học Stanford (Stanford University), và Đại học bang California Los Angeles (University of California, Los Angeles – UCLA).
2. Viện Đại học vùng (Regional Universities)

Trường Đại học North Georgia (University of North Georgia)
Đại học vùng là các trường đại học có quy mô nhỏ đến trung bình, cung cấp các chương trình đào tạo cử nhân và thạc sĩ, phục vụ chủ yếu cho sinh viên trong khu vực hoặc tiểu bang nơi trường tọa lạc. Mặc dù không có danh tiếng rộng lớn như các đại học quốc gia, nhưng các trường đại học vùng vẫn cung cấp các chương trình học chất lượng, và sinh viên có thể nhận được một nền giáo dục tốt với chi phí hợp lý hơn.
Các Viện Đại học vùng nằm chủ yếu ở các khu vực: Bắc, Nam, Trung Tây và Tây của Mỹ. Các đại học vùng thường tập trung vào đào tạo kỹ năng nghề nghiệp và có mối liên kết chặt chẽ với cộng đồng địa phương. Ví dụ, Đại học North Georgia (University of North Georgia) hay Đại học Central Washington (Central Washington University) là những đại học vùng tiêu biểu.
3. Trường Đại học vùng (Regional Colleges):

Trường Đại học Illinois Wesleyan (Illinois Wesleyan University)
Trường Đại học vùng (Regional Colleges) tại Mỹ là những cơ sở giáo dục đại học chủ yếu cung cấp chương trình đào tạo cử nhân, phục vụ chủ yếu cho sinh viên trong khu vực địa lý cụ thể. Các trường này thường tập trung vào việc cung cấp một nền giáo dục toàn diện, với các chương trình học tập nhỏ hơn, mang tính cộng đồng và hỗ trợ sinh viên phát triển cả về mặt học thuật lẫn kỹ năng nghề nghiệp.
Những trường này nằm chủ yếu ở các khu vực Bắc, Nam, Trung Tây và Tây của Mỹ, và đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cơ hội giáo dục đại học cho những sinh viên không muốn hoặc không thể theo học tại các trường đại học quốc gia lớn. Một số trường đại học vùng nổi tiếng có thể kể đến như Đại học Illinois Wesleyan (Illinois Wesleyan University) hay Đại học Florida Polytechnic (Florida Polytechnic University).
4. Đại học Nghệ thuật Tự do (Liberal Arts College)

Trường Đại học Amherst (Amherst College)
Các trường Đại học Nghệ thuật Tự do hay còn được biết đến với tên gọi Đại học Khai Phóng tập trung vào giáo dục toàn diện, khuyến khích sinh viên phát triển khả năng tư duy phản biện, sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề. Chương trình học của các trường này thường không chuyên sâu vào một lĩnh vực cụ thể mà thay vào đó, cung cấp một nền tảng vững chắc trong nhiều lĩnh vực như khoa học xã hội, nhân văn, khoa học tự nhiên và nghệ thuật.
Với quy mô nhỏ và môi trường học tập thân mật, sinh viên có nhiều cơ hội tương tác trực tiếp với giảng viên và nhận được sự chú ý cá nhân trong suốt quá trình học tập. Những trường đại học khai phóng tiêu biểu bao gồm Đại học Amherst (Amherst College), Đại học Williams (Williams College), và Đại học Swarthmore (Swarthmore College).
5. Đại học chuyên ngành (Specialty Universities)

Học viện Nghệ thuật Juilliard (Juilliard School)
Ngoài các trường đại học được US News chia thành bốn nhóm trong các xếp hạng đại học Mỹ được công bố hàng năm, tại mỹ còn có các trường đại học và học viện đào tạo chuyên ngành cho các lĩnh vực như nghệ thuật, nghệ thuật trình diễn, kinh doanh, hay kỹ sư và công nghệ. Những trường đại học này thường có quy mô nhỏ và chỉ tập trung đào tạo chuyên sâu một lĩnh vực duy nhất, dành cho những sinh viên có năng khiếu hoặc đam mê tại các lĩnh vực nhất định. Một vài trường đại học chuyên ngành nổi tiếng có thể kể đến như Đại học Babson (Babson College) chuyên đào tạo các ngành kinh doanh, Học viện Nghệ thuật Juilliard (Juilliard School), hay Đại học Kiến trúc Boston (Boston Architectural College).
6. Cao đẳng cộng đồng (Community College)

Trường Cao Đẳng Santa Monica (Santa Monica College)
Bên cạnh chương trình đào tạo đại học, hệ thống các trường cao đẳng tại Mỹ cũng nhận được nhiều sự quan tâm về chất lượng giáo dục trên toàn thế giới. Cao đẳng cộng đồng là lựa chọn tuyệt vời cho những sinh viên muốn tiết kiệm chi phí học tập và có thể chuyển tiếp vào các trường đại học sau khi hoàn thành chương trình học. Các trường này cung cấp các khóa học cử nhân hai năm (Associate’s Degree) và thường có chương trình đào tạo nghề ngắn hạn.
Cao đẳng cộng đồng đem đến cơ hội làm việc chỉ sau 2 năm học cho các sinh viên muốn học các ngành nghề cụ thể như kỹ thuật, y tế, hoặc các ngành nghề sáng tạo. Ngoài ra, do lợi thế chi phí thấp, nhiều sinh viên lựa chọn học Cao đẳng cộng đồng trong 2 năm đầu đại học và chuyển tiếp vào các trường đại học để hoàn tất chương trình cử nhân. Một số trường cao đẳng cộng đồng nổi bật là Cao Đẳng Santa Monica (Santa Monica College) và Cao Đẳng Northern Virginia (Northern Virginia Community College).
Nâng cao kỹ năng viết luận cùng giáo viên Mỹ với 30 năm kinh nghiệm
So sánh các mô hình đại học và cao đẳng Mỹ
Để đem đến cái nhìn tổng quát và hỗ trợ các bạn học sinh cùng phụ huynh trong quá trình tìm chọn trường để du học Mỹ, Aralia sẽ phân tích điểm mạnh và điểm yếu của từng mô hình trường đại học và cao đẳng theo các tiêu chí sau: danh tiếng và chất lượng giáo dục, chương trình đào tạo, quy mô lớp học, chi phí, cơ sở vật chất, môi trường học, và hoạt động ngoại khóa.
Đại học Quốc gia (National Universities)
Danh tiếng & chất lượng giáo dục | Chất lượng giáo dục tốt, các trường đại học quốc gia top đầu có danh tiếng được công nhận tại quốc tế |
Chương trình đào tạo | Thường đào tạo cả bậc cử nhân và sau đại học như thạc sĩ, tiến sĩ với nhiều sự lựa chọn đa dạng về ngành học. Nhiều cơ hội nghiên cứu cho sinh viên muốn phát triển theo hướng học thuật. |
Quy mô lớp học | Quy mô lớp học thường khá đông do số lượng học sinh tại các trường này lớn. Các lớp học cơ bản tại năm nhất có thể có đến hàng trăm học sinh một lớp. |
Chi phí học tập | Các trường đại học tư thục thường có chi phí cao, đại học công lập sẽ có chi phí thấp hơn cùng trợ cấp tiền học cho cư dân của bang. |
Cơ sở vật chất | Diện tích trường lớn, cơ sở vật chất được đầu tư với nhiều tiện ích như thư viện, nhà thể chất, phòng nghiên cứu hiện đại, sử dụng công nghệ mới và thường xuyên được nâng cấp, trùng tu. |
Môi trường học tập | Do số lượng học sinh nhiều, môi trường học tập tại đại học quốc gia thường năng động với cơ hội tìm hiểu văn hóa đa dạng, tuy nhiên cũng không kém phần cạnh tranh. |
Hoạt động ngoại khóa | Với nguồn tài chính và đầu tư mạnh mẽ, trường đại học quốc gia thường có đa dạng các hoạt động ngoại khóa với hàng trăm câu lạc bộ và tổ chức trải dài ở nhiều lĩnh vực cho học sinh tham gia. |
Viện Đại học Vùng và Đại học Vùng (Regional Universities and Colleges)
Danh tiếng & chất lượng giáo dục | Chất lượng giáo dục tốt, nhưng thường không có danh tiếng tại quốc tế. |
Chương trình đào tạo | Các trường Đại học Vùng thường chỉ tập trung đào tạo bậc cử nhân, các Viện đại học vùng sẽ có thêm các chương trình đào tạo sau đại học. Lựa chọn ngành học tại Đại học Vùng sẽ kém đa dạng hơn và có nhiều hạn chế về mặt nghiên cứu so với các trường lớn nhưng giáo trình thường tập trung vào sự phát triển toàn diện của sinh viên, bao gồm cả các kỹ năng mềm. |
Quy mô lớp học | Lớp học nhỏ giúp học sinh tương tác dễ dàng với giảng viên, hỗ trợ học tập cá nhân hóa. |
Chi phí học tập | So với các đại học quốc gia, học phí tại các đại học vùng thường thấp hơn, đặc biệt là đối với sinh viên trong khu vực. |
Cơ sở vật chất | Diện tích trường nhỏ hơn và có sự đầu tư hạn chế hơn về cơ sở vật chất so với các đại học lớn. |
Môi trường học tập | Các trường đại học vùng thường có quy mô nhỏ hơn, tạo ra môi trường học tập gần gũi, thân thiện và dễ dàng giao tiếp với giảng viên và bạn bè. |
Hoạt động ngoại khóa | Số lượng học sinh nhỏ nên các trường này thường không có nhiều hoạt động ngoại khóa như tại đại học lớn. Đặc biệt có nhiều sự hạn chế cho các hoạt động về thể chất cần nhiều sự đầu tư về tài chính. |
Đại học Nghệ thuật Tự do (Liberal Arts College)
Danh tiếng & chất lượng giáo dục | Chú trọng đến việc phát triển toàn diện các kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo, và giải quyết vấn đề bên cạnh kiến thức chuyên ngành. Thường chỉ các trường Liberal Arts top đầu nổi tiếng mới có danh tiếng quốc tế |
Chương trình đào tạo | Thường tập trung đào tạo chương trình cử nhân. Hạn chế trong lựa chọn ngành học (thường không cung cấp các chương trình học chuyên sâu về các ngành nghề như kỹ thuật, y tế hay các lĩnh vực công nghệ cao) và không có nhiều cơ hội nghiên cứu. |
Quy mô lớp học | Với quy mô lớp học nhỏ đến rất nhỏ (10-20 học sinh), sinh viên có thể tương tác trực tiếp với giảng viên, nhận được sự hỗ trợ cá nhân và phát triển mối quan hệ chặt chẽ với bạn bè và thầy cô. |
Chi phí học tập | Hầu hết các trường Liberal Arts là trường tư thục nên chi phí học tập thường khá cao do quy mô lớp học nhỏ. |
Cơ sở vật chất | Diện tích trường nhỏ hơn nhưng có sự đầu tư cơ sở vật chất tốt, hiện đại. Số lượng học sinh nhỏ nên sẽ không thể đa dạng cơ sở vật chất như các trường lớn. |
Môi trường học tập | Các trường này thường có môi trường học tập cởi mở, khuyến khích sự sáng tạo và tự do tư duy. Nhờ quy mô nhỏ nên học sinh sẽ dễ dàng kết bạn, làm quen, và xây dựng các mối quan hệ tại đại học. |
Hoạt động ngoại khóa | Số lượng học sinh nhỏ nên các trường này thường không có nhiều hoạt động ngoại khóa như tại đại học lớn. Đặc biệt có nhiều sự hạn chế cho các hoạt động nghiên cứu khoa học. |
Cao đẳng cộng đồng (Community Colleges)
Danh tiếng & chất lượng giáo dục | Cao đẳng cộng đồng thường không có danh tiếng như các trường đại học lớn nhưng các trường danh tiếng vẫn có chất lượng giáo dục ổn định, có cơ hội chuyển tiếp sang các đại học hàng đầu. |
Chương trình đào tạo | Cao đẳng cộng đồng cung cấp các chương trình học đa dạng, từ các khóa học nghề ngắn hạn đến các chương trình chuyển tiếp lên đại học nhưng không cung cấp chương trình chuyên sâu cho các ngành học như tại đại học. |
Quy mô lớp học | Tùy theo ngành học và số lượng học sinh tại trường mà quy mô lớp học tại các trường sẽ khác nhau, nhưng lớp học thường nhỏ hơn so với đại học quốc gia và các đại học vùng lớn.. |
Chi phí học tập | Cao đẳng cộng đồng có học phí rất hợp lý, giúp sinh viên tiết kiệm chi phí học tập. Đây là lựa chọn lý tưởng cho những sinh viên muốn học xong rồi chuyển tiếp vào các trường đại học để hoàn tất chương trình cử nhân. |
Cơ sở vật chất | Diện tích trường nhỏ, có nhiều hạn chế trong sự đầu tư về cơ sở vật chất. Cơ sở vật chất cho các hoạt động thể thao, văn hóa, nghệ thuật thường không được đầu tư nhiều. |
Môi trường học tập | Sinh viên ở các trường cao đẳng cộng đồng không phải ai cũng có mục tiêu chuyển tiếp lên đại học, nhiều bạn có mục tiêu học nghề, học các chứng chỉ để làm việc từ sớm nên môi trường học tập thường không có nhiều sự cạnh tranh. |
Hoạt động ngoại khóa | Do lộ trình đào tạo ngắn, các trường này thường có rất ít hoạt động ngoại khóa cho sinh viên. |
Xếp hạng các trường đại học và cao đẳng Mỹ
Dựa trên phân loại, các đại học và cao đẳng tại Mỹ cũng được xếp hạng thành các bảng xếp hạng khác nhau theo mô hình trường tương ứng. Bên cạnh đó, cũng có các bảng xếp hạng theo ngành học đánh giá chương trình đào tạo của các trường đại học tại các ngành cụ thể. Bảng xếp hạng nổi tiếng và được đánh giá cao nhất tại Mỹ là xếp hạng của US News. Trên trang thông tin của US News phụ huynh và các bạn học sinh có thể tìm kiếm những thông tin cơ bản nhất về các trường đại học và còn có thể thực hiện so sánh các trường với nhau bằng công cụ so sánh của US News.

Bảng xếp hạng của Pitchbook về các trường Đại học đào tạo nhiều doanh nhân nhất thế giới
Ngoài US News, có những bảng xếp hạng nổi tiếng khác mà bạn có thể tham khảo như xếp hạng của Forbes hay Niche. Các bảng xếp hạng này đánh giá các trường đại học theo những bộ tiêu chí khác nhau nên sẽ có sự khác biệt nhất định. Tùy theo ưu tiên của bạn cho các tiêu chí đánh giá, bạn có thể lựa chọn các bảng xếp hạng phù hợp để tham khảo. Những bảng xếp hạng nhỏ hơn như xếp hạng của Pitchbook về các trường đại học đào tạo nhiều doanh nhân nhất thế giới cũng là một thông tin thú vị nếu bạn có đam mê kinh doanh, khởi nghiệp.
Với hơn 5300 trường đại học và cao lớn nhỏ, việc phân loại các trường đại học Mỹ thành các mô hình khác nhau giúp học sinh dễ dàng nhận biết và lựa chọn mô hình phù hợp. Tuy nhiên, ngoài 4 phân loại chính thống các trường đại học Mỹ, còn có những phân loại ngầm để chỉ từng nhóm trường đại học như Ivy League, Little Ivies, Public Ivies hay Ivy Plus mà Aralia sẽ giúp bạn giải đáp trong những bài viết tiếp theo.
Hệ thống đại học và cao đẳng ở Mỹ mang lại vô vàn lựa chọn, mỗi mô hình trường đều có những đặc điểm và lợi thế riêng biệt. Việc lựa chọn trường phụ thuộc vào năng lực, mục tiêu nghề nghiệp, tài chính, cũng như mong muốn về môi trường học tập của mỗi sinh viên. Aralia mong rằng bài viết này đã giúp giải đáp những câu hỏi về các khái niệm phân chia phức tạp của hệ thống đại học và cao đẳng Mỹ, giúp các bạn học sinh có sự hiểu biết sâu sắc hơn để đưa ra lựa chọn ngôi trường phù hợp nhất cho mình.
Chinh phục giấc mơ Đại học Mỹ cùng Aralia

Tham gia các cuộc thi quốc tế ngay từ bậc trung học sẽ giúp các bạn học sinh vừa tích lũy kiến thức và kỹ năng mềm, vừa thể hiện khả năng học thuật của mình cho hội đồng tuyển sinh. Với sự hỗ trợ từ đội ngũ giáo viên từ các trường trung học và đại học hàng đầu tại Mỹ với nhiều năm kinh nghiệm luyện thi các cuộc thi quốc t, 70% học sinh Aralia đã thành công gặt hái những giải thưởng lớn.

Academic Writing (Viết học thuật) là kỹ năng nền tảng quan trọng cho môi trường đại học. Qua các lớp học về academic writing, các bạn học sinh sẽ không chỉ phát triển kỹ năng viết tiếng anh thành thạo mà còn xây dựng khả năng tư duy, lập luận để bài luận trở nên sâu sắc, thuyết phục, và gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh đại học quốc tế.